Mở hộ kinh doanh có  ưu, nhược điểm gì?

Lựa chọn mô hình kinh doanh là một vấn đề mà người bắt đầu kinh doanh thường trăn trở, đặc biệt là trong thời buổi 4.0 như hiện nay, hoạt động kinh doanh online diễn ra ngày càng nhiều và họ quan tâm đến việc mở hộ kinh doanh cá thể. Vậy ưu, nhược điểm của các loại hình kinh doanh này là gì? Nên lựa chọn loại hình này hay các loại hình công ty?

Trong bài viết này, OnlineTaxCoach sẽ cung cấp cho bạn

Ưu điểm:

Thứ nhất, phạm vi hoạt động: Hộ kinh doanh có thể hoạt động ở nhiều địa điểm khác nhau ngoài trụ sở chính đã đăng ký, tuy nhiên cần thông báo với cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường.

Thứ hai, về chế độ kế toán, hộ kinh doanh có thể lựa chọn phương pháp thuế khoán hoặc phương pháp kê khai. Trong đó, thuế khoán cố định do cơ quan thuế quy định, hộ kinh doanh chỉ cần khai doanh thu và nộp thuế hàng năm theo ấn định của cán bộ thuế, không cần nộp tờ khai hay quyết toán thuế định kỳ.

Thông thường, đối với các hộ kinh doanh nhỏ thường áp dụng theo phương pháp khoán, trừ hộ kinh doanh có quy mô lớn thì thuộc trường hợp phải khai thuế theo phương pháp kê khai. Như vậy, đối với những hộ kinh doanh không quá lớn thì việc nộp thuế sẽ đơn giản hơn, việc đóng thuế khoán sẽ thực hiện hằng năm và không phải kê khai theo hàng tháng, hàng quý như doanh nghiệp.

Thứ ba, không ràng buộc về vốn, hộ kinh doanh có thể kinh doanh với số vốn lớn hoặc nhỏ, tùy vào mong muốn của hộ, nhờ vậy mà khả năng quay vòng vốn nhanh giúp cho quá trình kinh doanh thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, Hộ kinh doanh chỉ phải đóng 3 loại thuế là thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, ít hơn so với các loại hình công ty.

Thứ tư, thủ tục đăng ký hoạt động đối với hộ kinh doanh không quá phức tạp. Theo quy định mới nhất, việc nộp hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh sẽ có một số thay đổi, tuy nhiên về thành phần hồ sơ, trình tự thực hiện cũng giống như trước đây.

Nhược điểm:

Thứ nhất, một cá nhân chỉ được làm chủ của một hộ kinh doanh và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Khác với hộ kinh doanh, loại hình khác như công ty TNHH một thành viên, chủ sở hữu thì chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn góp mà chủ sở hữu đăng ký vốn điều lệ khi thành lập công ty.

Thứ hai, hộ kinh doanh khó mở rộng quy mô kinh doanh, mặc dù có thể thực hiện kinh doanh ở nhiều địa điểm khác nhau nhưng chỉ được đăng ký một địa điểm trụ sở chính, đồng thời cũng không thể mở các chi nhánh, văn phòng đại diện.

Thứ ba, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân nên khi tham gia vào các giao dịch sẽ mang tư cách một cá nhân, do đó địa vị pháp lý của hộ kinh doanh không phải là một ưu điểm như các loại hình khác. Đồng thời, việc huy động vốn bị hạn chế, hộ kinh doanh chỉ có thể tự xoay vốn hoặc vay của các cá nhân, tổ chức khác.

Tóm lại, so với các loại hình kinh doanh khác thì mô hình hộ kinh doanh có một số ưu điểm cùng với các hạn chế nhất định. Cá nhân, tổ chức khi bắt đầu hoạt động kinh doanh cần xác định thật kỹ mong muốn và định hướng kinh doanh để lựa chọn mô hình cho phù hợp.

Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc xác định xem mình có nên mở hộ kinh doanh hay không, bạn có thể liên hệ ngay với các chuyên gia của OnlineTaxCoach để được hỗ trợ trực tiếp nhé.