Kinh doanh online có bắt buộc phải đóng thuế?

KINH DOANH ONLINE CÓ BẮT BUỘC PHẢI ĐÓNG THUẾ?

 

Kinh doanh online là hình thức bán hàng trực tuyến thông qua các nền tảng công nghệ số như website, mạng xã hội (Facebook, Tiktok, Instagram) hoặc sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki). Theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở lên phải nộp thuế GTGT, thuế TNCN phát sinh cho hoạt động kinh doanh của mình. Cụ thể, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh trên môi trường mạng cần phải kê khai thuế đối với các hoạt động kinh doanh của mình theo định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý, tùy thuộc vào quy định của cơ quan thuế.

Lưu ý rằng, việc không tuân thủ quy định kê khai thuế đối với hoạt động kinh doanh online có thể dẫn đến các hậu quả pháp lý và tài chính, bao gồm bị phạt tiền, xử lý hành chính, thậm chí là bị tước quyền kinh doanh hoặc khóa tài khoản. Vì vậy, nếu bạn đang kinh doanh online, cần xác định đúng những nội dung sau đây để đảm bảo thực hiện kê khai đúng định kỳ và đầy đủ thông tin để tránh rủi ro pháp lý và tài chính.

 

1. Hoạt động kinh doanh của bạn có bắt buộc phải thực hiện kê khai thuế?

Theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh online có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch dưới 100 triệu đồng/năm thì được miễn thuế, nhưng nếu doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên thì sẽ phải nộp thuế GTGT, thuế TNCN phát sinh cho hoạt động kinh doanh của mình.

2. Các loại thuế khi bán hàng online phải nộp?

– Thuế GTGT và thuế TNCN: quy định tại Phụ luc I Danh mục ngành nghề tính thuế GTGT, thuế TNCN theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC thì người bán hàng online (trường hợp thuộc diện chịu thuế) phải nộp thuế GTGT là 1%, thuế TNCN là 0.5%.

– Lệ phí môn bài: cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh

  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm;
  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 (năm trăm nghìn) đồng/năm;
  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 (ba trăm nghìn) đồng/năm.
  • Cá nhân, hộ kinh doanh sẽ được miễn lệ phí môn bài khi có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.

3. Doanh thu làm căn cứ xác định mức thuế phải đóng?

Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm:

  • các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền;
  • các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN);
  • doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

4. Xác định thời điểm kê khai thuế phù hợp?

Mới đây 258 sàn thương mại điện tử đã cung cấp thông tin cho cơ quan thuế dữ liệu 53.000 người bán hàng online và nhiều trường hợp đã bị cơ quan thuế mời lên làm việc và bị phạt vì không khai báo thuế. Do đó, nếu bạn bán hàng online và thuộc diện phải đóng thuế GTGT, TNCN, bạn nên tự giác kê khai và nộp thuế.

Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc này, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia pháp lý hoặc những dịch vụ tư vấn thuế trực tuyến. Chương trình OnlineTaxCoach, chương trình tư vấn từ chuyên gia có thể giúp bạn kiểm soát thuế và đảm bảo việc kinh doanh của bạn được thực hiện đúng quy định.